QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ VĨNH PHÚC HƯỚNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TS KTS Nguyễn Xuân Hinh
Trưởng khoa Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Những thách thức trong quá trình phát triển về kinh tế xã hội, sự mất cân bằng giữa xã hội và không gian đô thị, việc phát triển thiếu quy hoạch, vấn đề đô thị hóa vùng ven, sự mở rộng về quy mô không gian của các đô thị & những vấn đề về thể chế quản trị đô thị,… đang là các thách thức lớn trong việc phát triển bền vững ở các đô thị Việt Nam nói chung. Những thách thức này đối với các đô thị xung quanh các đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh & Hà Nội lại càng tỏ ra rõ nét, trong đó nằm trong vùng thủ đô Hà Nội như Vĩnh Phúc đã và đang chịu sự ảnh hưởng & những thách thức không nhỏ trong quá trình lựa chọn mô hình sự phát triển đô thị ?

Vĩnh Phúc vùng phía đông nam trong quá trình phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa (CNH-HĐH) các đô thị bao gồm Phúc Yên – Xuân Hòa – Bình Xuyên

– Hương Canh & thành phố Vĩnh Yên, là khu vực có tốc độ đô thị hóa đến mức không gian đô thị đã nhòa đi ranh giới hành chính. Việc các đô thị trong vùng đã được kết nối về không gian về chức năng, quy hoạch & kiến trúc, vì vậy việc đòi hỏi sự đồng bộ về hệ thống giao thông, kỹ thuật hạ tầng, vệ sinh môi trường trong phạm vi trên là cần thiết và cấp bách.

Trong bài viết này tác giả xin giới thiệu và phân tích một vài vấn đề “định tính” về quy hoạch đô thị theo quan điểm phát triển bền vững tại đồ án “Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Chính phủ phê duyệt năm 2011. Đồ án này do công ty Nikken Skkei Civil (NSC) & tác giả là người được tham gia – Nội dung của bài bao gồm:

– Quan điểm ranh giới quy hoạch.
– Xác định tầm nhìn quy hoạch.
– Phương pháp dự báo trong đồ án.

1/ Quan điểm về ranh giới quy hoạch phát triển bền vững:

Quy hoạch đô thị của chúng ta là các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu hay quy hoạch chi tiết đô thị, các đồ án này vẫn được thực hiện theo ranh giới hành chính cấp phường, quận, khu đô thị, thành phố, thị xã & thị trấn. Trường hợp này phù hợp khi thời kỳ các đô thị còn cách xa nhau, khi chức năng đô thị & hệ thống kết nối về giao thông, kỹ thuật hạ tầng còn đang làm việc độc lập.

Khi xuất hiện các đồ án quy hoạch & thiết kế đô thị cho một tuyến đường, thậm chí quy hoạch cho một khu đô thị rộng hàng trăm hecta (Ha) thì việc thực hiện theo ranh giới hành chính không còn phù hợp nữa, vì các khu chức năng liên kết của đô thị, các công trình giao thông, cấp thoát nước & môi trường phải có sự phát triển liên tục, quan hệ phù hợp với nhau.

Việc nghiên cứu quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc với quy mô 318 Km2, ranh giới bao gồm nhiều địa phương như; thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, và các khu vực lân cận. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, không gian chức năng về các khu công nghiệp (KCN) và các khu đô thị đã dính kết vào nhau, tuy nhiên xuất hiện nhiều bất cập về ô nhiễm môi trường môi trường, mâu thuẫn về kết nối hệ thống giao thông giữa nông thôn với các khu vực đô thị hóa, sự phối hợp không đồng bộ giữa các công trình đầu mối hạ tầng diện rộng, nhất là vấn đề tiêu thoát lũ trong các trận lũ lụt tháng 11 năm 2008.

Để giải quyết vấn đề bất cập này chính quyền tỉnh đã đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu lập quy hoạch toàn bộ vùng phía Đông nam tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm các địa phương như đã thống kê trên. Đồ án đặt ra mục tiêu là xây dựng một mô hình mới về cấu trúc đô thị hợp nhất, có cơ sở kinh tế, kỹ thuật hiện đại, vững chắc, có môi trường sống tốt, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của dân cư đô thị, bảo đảm phát triển bền vững giữa đô thị – nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

2/ Xác định tầm nhìn quy hoạch:

– Định hướng phát triển của Việt Nam nhìn từ tình hình thế giới.
– Phát triển dựa trên việc duy trì vị trí là điểm đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao kỹ thuật sản xuất trong nước.
– Việc vừa xây dựng “Xã hội với gốc là sự phát triển” theo sự phát triển kinh tế, vừa xây dựng “Xã hội mà tất cả các thế hệ đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu” để chuẩn bị cho xã hội nhiều người già trong tương lai chính là yếu tố cần thiết để phát triển lâu dài.

– Xây dựng xã hội an toàn, yên tâm và hài hòa với môi trường trái đất: Thực hiện xây dựng hệ thống trị thủy và hệ thống sản xuất nông nghiệp ổn định đối với ảnh hưởng do sự biến đổi môi trường trái đất rõ rệt nhằm xây dựng một xã hội mà con người có thể sinh sống an toàn và yên tâm.

– Định hướng phát triển của đô thị mở rộng:
Hình thành nên đô thị có khả năng đáp ứng linh hoạt sự thay đổi của cấu trúc công nghiệp; dựa vào việc vừa xây dựng một cấu trúc công nghiệp hài hòa, việc phát triển đô thị có thể đáp ứng linh hoạt với sự thay đổi của cấu trúc công nghiệp sẽ hình thành nên được một đô thị hấp dẫn và phát triển bền vững.

Hình thành nên một đô thị vừa phát triển đô thị vừa bảo tồn môi trường; vừa thực hiện phát triển đô thị theo sự tăng trưởng kinh tế vừa bảo tồn môi trường để hình thành nên đô thị thoải mái và hài hòa với tự nhiên.

Để giải quyết các thiệt hại do sự mở rộng đô thị theo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, hình thành nên đô thị có môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững.

Định hướng một cấu trúc đô thị kiểu mới, lấy phát triển giao thông công cộng, dọc theo các trục giao thông là các khu chức năng đô thị, qua đó xây dựng đô thị kiểu tập trung trọng điểm, lấy giao thông công cộng làm trục.

3/ Việc dự báo quy mô phát triển đô thị:
3.1/Dự báo quy mô đô thị từ trên xuống (top down).
– Dự báo dân số Việt Nam của Liên hiệp quốc.
– Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam.
– Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội..
– Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thông đô thị & thị tứ của tỉnh.
– Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh.
– Quy hoạch các ngành; Đất đai, Giao thông, Nông lâm nghiệp, đặc biệt là Du lịch, dịch vụ, Y tế và Đào tạo.

3.2/ Phương pháp so sánh với một số đô thị đã phát triển có đặc trưng tương tự:
– Mô hình các đô thị trong nước phát triển tốt với quy mô & tính chất tương đồng; đô thị Bình Dương Việt Nam.
– Mô hình các đô thị của các nước trong khu vực & Quốc tế phát triển tốt với quy mô & tính chất tương đồng; Malaysia, Nhật Bản, hàn quốc,…
– Các bài học về dự báo; lưu ý phải dự báo cho cả giai đoạn đô thị phát triển cực điểm đến thoái trào.

3.3/Dự báo quy mô đô thị từ dưới lên;
– Dự báo dân số tăng tự nhiên: Theo phương pháp tính dự báo tăng trưởng theo thống kê thực tế và định hướng chỉ tiêu phát triển theo các chuyên ngành liên quan.
– Dự báo dân số tăng cơ học: Trong việc dự báo này cần lưu ý nhiều đến phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Vì vậy cần phải làm rõ sự chi phối của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong đó cần xác định nhu cầu phát triển công nghiệp và du lịch dịch vụ sẽ mang lại các lợi ích và quy mô sẽ chiếm bao nhiêu quy mô của đô thị trong các giai đoạn quy hoạch.

3.4/Tổng hợp Dự báo quy mô đô thị:

Trên cơ sở tổng hợp các dự báo phát triển từ các quy hoạch trên xuống và dự báo từ dưới lên, lựa chọn được một quy mô kinh tế, dân số & đất đai đô thị có tính khả thi cao, đảm bảo cho việc tính toán quy mô đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển ngắn hạn, dài hạn & tầm nhìn xa hơn.

4/Kết luận:

Một đô thị phát triển bền vững trong quá trình phải đảm bảo đạt được sự thống nhất bền vững cả ba mặt; kinh tế, xã hội và môi trường, nhằm nâng cao chất lượng sống của hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới các nhu cầu phát triển của thế hệ tương lai. Không gian đô thị bền vững đó phải thể hiện sự thống nhất giữa qui hoạch, kế hoạch, quản lý phát triển và hành động thực hiện với sự đồng thuận của mọi thành phần xã hội: Nhà nước, tư nhân, cộng đồng; mọi cấp độ; địa phương, thành phố và quốc gia.

Để đạt được một đồ án quy hoạch phát triển bền vững, mang tính khả thi cao Chúng ta cần phải quan tâm nhiều đến Phương pháp xác định tầm nhìn phát triển đô thị từ quốc tế đến trong nước, hình thành nên cấu trúc đô thị có khả năng đáp ứng linh hoạt sự thay đổi, không gian xã hội an toàn và hài hòa với môi trường trái đất. Việc xác định quy mô đô thị bao gồm cả kinh tế, dân số & đất đai,…ngày nay phụ thuộc không chỉ vào sự tăng trưởng nội tại mà còn phụ thuộc nhiều vào các tác động từ bên ngoài, vì vậy chúng ta cần có phương pháp dự báo tiếp cận đa tầng.

Việc lập quy hoạch phát triển đô thị dựa vào địa giới hành chính, đôi khi cách làm này sẽ không khắc phục được vấn đề kết nối không gian chức năng và các kết cấu hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật & bảo vệ môi trường đô thị, việc lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc là đảm bảo yếu tố phát triển bền vững hướng đến một cấu trúc đô thị hợp nhất giữa đô thị & nông thôn trên địa bàn khu vực nghiên cứu.

Việc nghiên cứu các cơ sở lập quy hoạch phát triển đô thị của ta hiện nay thường dựa vào ý chí chủ quan nhiều hơn, trong đó các dự báo về kinh tế xã hội còn sơ lược thiếu cơ sở, các phân tích nhằm chuyển đổi từ không gian phi vật thể sang mô hình không gian vật thể đô thị chưa được quan tâm, vì vậy các đồ án quy hoạch đô thị luôn luôn thiếu tính khả thi, khó và đôi khi không thể thực hiện được và chúng được gọi là “Quy hoạch treo”.

Các đơn vị tư vấn quốc tế, về cơ bản là các đơn vị tư vấn có trình độ cao, có kinh nghiệm từ các nước có hệ thống đô thị phát triển, nên các đồ án quy hoạch đô thị của họ có chất lượng cao là đương nhiên. Nhưng một điều dễ nhận ra rằng các đơn vị này vẫn “chiều “ theo các dự báo, các quy định, trình tự và nội dung quy hoạch & thậm chí cả các chỉ đạo mang tính áp đặt trong quy hoạch đô thị của chủ đầu tư để xây dựng nên một đồ án. Như vậy sẽ còn nhiều vấn đề về chất lượng của đồ án quy hoạch tại Việt Nam của các đơn vị tư vấn quốc tế phải bàn luận vì phương pháp và nội dung quy hoạch giữa “Ta” và “Tây” khác nhau. Chúng tôi cần một quan điểm thẳng thắn về chất lượng của đồ án quy hoạch đô thị từ các bạn tư vấn quốc tế./

NXH

Các tin tức khác