ĐÀO TẠO KIẾN TRÚC SƯ QUY HOẠCH – ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

Tác giả trình bày tại hội thảo “Đào tào nguồn nhân lực ngành xây dựng”

1/ Sự cần thiết đổi mới chương trình đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch:

Công cuộc xây dựng công nghiệp hóa hiện đại hóa (CNH-HĐH) của Việt Nam đang thu được kết quả đáng khích lệ, kinh tế & xã hội phát triển, đã tạo được một động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh gấp hai lần so với mười năm trước đây, hệ thống đô thị Việt Nam không ngừng được mở rộng. Công tác quy hoạch đô thị & nông thôn được Đảng, nhà nước & toàn xã hội quan tâm. Phát triển đô thị đã đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của từng vùng từng địa phương. Tại các đô thị, không gian kiến trúc cảnh quan đã được thay đổi dần theo hướng hiện đại, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, công tác bảo vệ môi trường được cải thiện, v.v… Tất cả những thành tựu đó đã tạo nên một không gian môi trường sống tại đô thị Việt Nam ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên đi cùng với những thành tựu đạt được thì xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn & thách thức trong công tác quy hoạch xây dựng & phát triển đô thị đó là:

– Tốc độ đô thị hoá và sự gia tăng dân số đô thị nhanh chóng tại các đô thị cũng như các điểm dân cư nông thôn vượt ra khỏi tầm chủ động kiểm soát trong công tác lập & quản lý quy hoạch xây dựng.
– Số lượng cán bộ làm công tác lập & quản lý quy hoạch xây dựng tại hầu hết các địa phương vừa thiếu về số lượng và yếu năng lực chuyên môn.
– Nội dung & phương pháp lập các đồ án quy hoạch Đô thị & Nông thôn còn lạc hậu chưa được đổi mới, còn tư duy mệnh lệnh thiếu tính khoa học.
– Các đồ án quy hoạch xem nhẹ các nghiên cứu về tính đảm bảo kinh tế và phù hợp với môi trường văn hóa xã hội, từ đó xuất hiện quá nhiều các đồ án quy hoạch đô thị không khả thi.
– Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về quy hoạch đô thị & nông thôn còn nhiều bất cập; đổi mới chương trình hướng đến hội nhập quốc tế chậm chạp, kiến thức quy hoạch còn thiếu, chưa đáp ứng được các yêu cầu của một lĩnh vực khoa học tổng hợp cao.
– Ngoài ra, trong những năm gần đây, các nước trên thế giới và trong khu vực châu Á Thái Bình Dương (APSA) cũng đã có những thay đổi về quan điểm và nội dung đào tạo trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, Việt Nam cũng cần xem xét để theo kịp và hội nhập với thế giới và khu vực, tiếp thu những bài học kinh nghiệm và tránh những sai lầm trong đào tạo của các nước đi trước.

Những thách thức cơ bản được nêu trên chính là những vấn đề cần phải có các giải pháp khắc phục, nhằm đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững trong công tác xây dựng đô thị & nông thôn. Trong đó công tác đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch tại các trường Đại học cũng là một trong các mắt xích quan trọng cần nghiên cứu.

Nhận thức được vai trò trách nhiệm là một trung tâm đào tạo lớn của ngành, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong những năm qua đã thường xuyên cải tiến chương trình đào tạo KTS quy hoạch, hiện nay Nhà trường đang chỉ đạo Khoa quy hoạch Đô thị và Nông thôn nghiên cứu đề xuất “Đổi mới chương trình đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch”. Trong phạm vi của một bài hội thảo chúng tôi trân trọng gửi đến một số quan điểm về việc xây dựng một chương trình Đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch đổi mới và phát triển, với mong muốn tiếp nhận được nhiều ý kiến xây dựng của tất cả các nhà Chuyên môn, các nhà Quản lý & của Cộng đồng Xã hội.

2/Tình hình phát triển đô thị & nhu cầu nhân lực quy hoạch đô thị của Việt Nam:

Tính đến ngày 31/12/2010 Việt Nam có 755 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 10 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV và 634 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước từ 19,4% (1989) lên 30,5% (năm 2010). Trên địa bàn cả nước đến hết tháng 6/2007 có 150 khu công nghiệp (KCN) đ¬ược thành lập với tổng diện tích 27.748ha, hàng trăm khu đô thị mới, hàng chục khu kinh tế biển & kinh tế cửa khẩu đã được quy hoạch và xây dựng.
Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ Tướng Chính phủ, dân số đô thị ở nước ta trong vài thập kỷ tới sẽ tăng nhanh một cách đáng kể cả về số lượng cũng như về tỷ lệ số dân đô thị:

– Năm 2015, dân số đô thị là 35 triệu người, chiếm 38% dân số cả nước;
– Năm 2020, dân số đô thị là 44 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước.
– Năm 2025, dân số đô thị là 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước.

Với mô hình phân cấp về quản lý quy hoạch xây dựng theo chủ trương của luật Xây dựng, luật Quy hoạch sẽ hình thành hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng ở các tỉnh thành và địa phương trong toàn quốc. Tính đến tháng 1/2011, Việt Nam có 698 đơn vị hành chính cập huyện, bao gồm thành phố (trực thuộc tỉnh) thị xã, quận & huyện. Số lượng Kiến trúc sư quy hoạch mới tính nhu cầu cho các Sở Xây Dựng, các Viện quy hoạch, các Công ty tư vấn quy hoạch thuộc tỉnh thành phố & cấp Huyện, số này cần khoảng 3000-4000 KTS. Trong khi đó hiện nay toàn quốc hiện chỉ có khoảng 1600-2000 KTS làm công tác quy hoạch xây dựng, như vậy số lượng cần cung cho xã hội trước mắt và lâu dài vẫn còn thiếu nhiều.

3/Tổng quan về chương trình đào tạo quy hoạch đô thị trên thế giới & Việt Nam:

3.1/ Trên thế giới:

Trên thế giới dưới tác động của các nền kinh tế xã hội khác nhau, công tác quy hoạch xây dựng & quản lý đô thị ở mỗi nước đều có những nghiên cứu phù hợp với thực tế phát triển của từng nước. Tuy nhiên nhìn chung công tác quy hoạch đô thị đều dựa trên quy hoạch kinh tế – xã hội & các quy hoạch chuyên ngành, nhưng không “thụ động” và phụ thuộc đi sau các quá trình này. Các nhà Quy hoạch chính là “Nhạc trưởng” tổng hợp được các yếu tố này, đưa ra được các giải pháp quy hoạch đô thị phù hợp với quy hoạch kinh tế – xã hội theo định hướng phát triển bền vững, đảm bảo sự tổng hòa của phát triển kinh tế, công bằng xã hội, baỏ vệ môi trường sinh thái đô thị. Do vậy các Nhà quy hoạch đô thị “Urbanist” cần phải có kiến thức tổng hợp; là nhà khoa học về lĩnh vực Quy hoạch, thiết kế đô thị, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế học đô thị & văn hóa xã hội học.

Đa số các nước có xu hướng đào tạo từ các Kiến trúc sư và Kỹ sư thuộc các chuyên ngành có liên quan ở bậc trên đại học, để trở thành các “Nhà quy hoạch đô thị” “Urbanist”, có một tầm nhìn bao quát và khả năng tư vấn ở tầm vĩ mô cho các cơ quan điều hành xã hội, Cộng hoà Pháp có thể coi như một thí dụ điển hình. Các nước châu Á có mức độ tăng trưởng kinh tế khác nhau dẫn đến nội dung, chương trình đào tạo về quy hoạch và quản lý đô thị ở các trường trong khu vực cũng khác nhau. Có nhiều loại hình đào tạo chuyên ngành quy hoạch khác nhau trong các trường ở khu vực Châu Á. Mặc dù xu hướng thành lập các trường đại học quy hoạch độc lập hiện nay đang tăng lên, nhưng phần lớn chương trình đào tạo quy hoạch nằm trong trường Kiến trúc, Xây dựng, Kỹ thuật đô thị,…

Một số nước trên thế giới đào tạo tách biệt ra hai loại hình; Nhà quy hoạch & Thiết kế đô thị, hai loại chuyên gia trên đào tạo hoặc ở đại học hoặc ở ở sau đại học, có chương trình cụ thể riêng cho từng loại đối tượng. Riêng các nhà quy hoạch được bổ xung nhiều kiến thức về xã hội học, kinh tế, lịch sử, môi trường. Các nhà chuyên môn về thiết kế đô thị: chuyên sâu về các kiến thức bố cục, tạo cảnh, những vấn đề nghệ thuật làm đẹp thành phố, không gian công cộng.

Nội dung chương trình đào tạo tại các nước tiến tiến được tổ chức thành các Modul, đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học, ngành học, cấp bậc đào tạo (từ phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trung học cơ sở và đại học), đây là vấn đề chúng ta chưa làm được. Thời gian đào tạo KTS theo hai giai đoạn; giai đoạn một học 3-4 năm khi tốt nghiệp nhận bằng cao đẳng (Bachelor), giai đoạn sau học tiếp 1-2 năm để cấp bằng Kiến trúc sư hoặc Thạc sĩ (Master).

Nhìn chung, trên thế giới và trong khu vực, các trường đại học về cơ bản không đào tạo ra sản phẩm là “Kiến trúc sư quy hoạch” (Planning Architect) như Việt Nam mà chủ yếu sản phẩm đào tạo là những “Nhà quy hoạch” (Planner), có chuyên môn hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển đô thị trong phạm vi tổng quát hơn.

3.2/Tình hình đào tạo KTS Quy hoạch tại Việt Nam:

Hiện nay trong cả nước có gần 20 trường Đại học đào tạo Kiến trúc sư nhưng chỉ có 03 trường là có đào tạo chuyên về Kiến trúc sư quy hoạch đó là: Đại học Kiến trúc Hà Nội đào tạo được 20 năm (1992), Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đào tạo được 13 năm (1998) & Đại học Xây dựng Hà Nội từ năm 2008. Hàng năm trường các trường Đại học đào tạo ra trường (tốt nghiệp) khoảng 300 KTS quy hoạch. Hiện nay các trường cũng đã nâng số lượng đầu vào hàng năm khoảng 500 Sinh viên quy hoạch.

3.2.1. Đánh giá chung về chương trình đào tạo KTS quy hoạch tại trường học Kiến trúc Hà Nội.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể thấy chương trình đào tạo ngành quy hoạch xây dựng còn có chung một số hạn chế như sau:

– Các môn lý thuyết cung cấp kiến thức quá rộng nhưng lại không đủ sâu để áp dụng.

– Trình tự và mối quan hệ giữa các môn học chưa có tính hệ thống, các môn học lý thuyết chưa hỗ trợ hiệu quả cho các đồ án.

– Thời gian của các môn học không cho phép sinh viên dễ dàng chuyển đổi từ kiến thức thành kỹ năng, chưa trú trọng trang bị các kỹ năng học cho sinh viên ngay từ những năm đầu.

– Các đồ án tập trung nhiều vào ‘sản phẩm đồ án” hơn là phương pháp nghiên cứu và quá trình thực hành.

– Nôi dung kiến thức chưa đáp ứng được những yêu cầu về vai trò và chức năng của nhà quy hoạch, các môn học về kinh tế, văn hóa, xã hội & môi trường chưa được quan tâm đầy đủ.

– Sinh viên buộc phải học quá nhiều nên giới hạn khả năng phát triển tư duy và suy nghĩ.

– Thời gian học đại cương không trang bị được các kỹ năng cần thiết của Kiến trúc sư quy hoạch.

3.2.2. Chương trình đào tạo ngành Quy hoạch đô thị của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình đào tạo tiên tiến ngành Quy hoạch đô thị bậc đại học được xây dựng bởi sự hợp tác và hỗ trợ của Chương trình quy họach môi trường đô thị Việt Nam (UEPP-VN) đối với Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh: thời gian đào tạo gồm 5 năm, hai năm đầu giành cho các môn học đại cương và kiến thức cơ bản. Ba năm tiếp theo là thời gian giành cho các môn học chuyên ngành. Tổng thời lượng dành cho các môn học chuyên ngành trong 3 năm là 146 ĐVHT. Trong đó, bao gồm 53 ĐVHT là các môn học và đồ án chuyên ngành, khối lượng còn lại là các môn học cơ sở ngành.

Chương trình đào tạo của Trường Đại học Kiến trúc TPHCM có thời lượng ít hơn (150 TC) so với chương trình đào tạo của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (160) và trường Đại học Xây dựng (178). Hệ thống các môn học cơ sở và chuyên ngành nhìn chung tương đồng với chương trình đào tạo của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội tuy nhiên hệ thống đồ án chuyên ngành quy hoạch ít hơn (chỉ có 5 đồ án).

Chương trình đề xuất này cũng đã đề cập tới yêu cầu phù hợp với hệ thống luật pháp về xây dựng và phát triển đô thị của Việt Nam trong giai đoạn mới. Nội dung các môn học mới và các môn học điều chỉnh đã cập nhật được những yêu cầu của thực tiễn công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị. Tuy vậy, vẫn nhận thấy rằng Chương trình đào tạo này có xu hướng đào tạo ra những sản phẩm là các “Nhà quy hoạch” có tầm nhìn rộng hơn, khái quát hơn là đào tạo ra những người làm công tác Thiết kế quy hoạch như tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

4/Mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo KTS Quy hoạch:

Kiến trúc sư quy hoạch được đào tạo sau khi ra trường phải có khả năng làm việc trong các lĩnh vực: Tư vấn lập đồ án Quy hoạch, thiết kế Kiến trúc & Quản lý quy hoạch xây dựng, Giảng dạy & nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kiến trúc Quy hoạch.

Việc nâng cao chất lượng công tác Đào tạo KTS quy hoạch đô thị & nông thôn cần đáp ứng các yêu cầu cho thời gian trước mắt & tương lai lâu dài đó là:

– KTS quy hoạch hiện nay cần có khả năng lập các đồ án Quy hoạch xây dựng & thiết kế Kiến trúc, đây là một tiêu chuẩn kép mà các nước khác không hoặc ít đào tạo theo mô hình này.

– Đáp ứng nhu cầu về số lượng KTS quy hoạch: đây là nhu cầu rất cấp thiết do sự thiếu hụt nghiêm trọng các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng đô thị, nhất là nhu cầu quy hoạch xây dựng Nông thôn, với dân số nông dân nước ta chiếm hơn 80%.

– Đáp ứng tiêu chí nâng cao chất lượng: Do yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển, chất lượng đào tạo người làm quy hoạch đô thị, cũng như năng lực công tác của cán bộ khoa học kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực này cần phải được nâng cao, thường xuyên đựợc cập nhật nội dung của văn bản pháp Luật, thông tư, nghị định của nhà nước và các Bộ ngành liên quan đến quy hoạch.

– Đáp ứng hội nhập quốc tế: Với tình hình kinh tế xã hội phát triển như hiện nay, cùng với xu toàn cầu hoá, khả năng hội nhập của công tác quy hoạch đô thị được đặt lên hàng đầu. Khả năng về đào tạo nguồn nhân lực của nước ta phải ngang bằng với các nước trong khu vực, năng lực làm việc của các KTS quy hoạch và các cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực này phải đáp ứng được những yêu cầu, những thách thức mà tiến trình hội nhập mang lại.

– Thời lượng phải đáp ứng quy định chương trình khung của Bộ Giáo dục & Đào tạo, bao gồm nội dung chương trình bắt buộc và các chương trình chuyên ngành đào tạo được phép xây dựng, tuy nhiên xu hướng nên tinh & giảm thời lượng đào tạo hợp lý.

– Bổ xung thêm khối kiến thức về Kinh tế học đô thị, Văn hóa – xã hội, Bất động sản & sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch xây dựng.

– Chương trình đào tạo cần “linh hoạt” cung cấp kiến thức chuyên ngành, theo các giai đoạn từ thấp đến cao, từ kỹ năng thiết kế (Đại học) đến lập quy hoạch có tính vĩ mô (Thạc sĩ) và có khả năng liên kết đào tạo với một số trường đại học khác trên thế giới.

5/Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo KTS quy hoạch:

5.1/ Đổi mới nội dung & phương pháp lập quy hoạch;

Không gian đô thị muốn hình thành nó phải có một quá trình phát triển cùng với kinh tế, văn hóa, công tác quản lý đầu tư,… Không gian đô thị trong quá trình phát triển không bất biến nó sẽ vận động phát triển theo sự phát triển Kinh tế & Xã hội, nhưng trong các đồ của ta (theo các quy định hiện nay) thì quy định rất chặt chẽ về rất nhiều loại chỉ tiêu khống chế với khoảng thời gian đến 20 năm. Trong quá trình thực hiện có nhiều thay đổi về Kinh tế, về nhu cầu của xã hội, của người dân, nên các chủ đầu tư kể cả nhà nước cũng phải “xin” thay đổi gần hết về hình ảnh không gian quy hoạch đô thị trong các đồ án, như vậy tính khả thi về “thẩm mỹ đô thị”của các đồ án không còn.
Để quản lý quy hoạch xây dựng đô thị tốt hơn, hiệu quả hơn, các đồ án mang tinh khả thi nhiều hơn Nhà nước cần phải có một nghiên cứu đổi mới cơ bản trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng theo nguyên lý “lạt mềm buộc chặt”. Nội dung quy hoạch nên theo hướng quy hoạch “cấu trúc” đô thị tức là “quy hoạch mềm” để quản lý chặt chẽ. Trong các loại đồ án cần yêu cầu một số khu vực cần thiết (khu vực trung tâm, các CT đầu mối,…) trong đô thị cần quy định các nội dung quy hoạch và thiết kế đô thị cụ thể, làm cơ sở quản lý nhất quán cho quá trình lâu dài.

5.2/ Điều chỉnh nội dung chương trình & tuyển đầu vào đào tạo:

Số lượng các môn học Đại học thuộc chuyên ngành quy hoạch của ta còn nhiều hơn so với các chương trình quốc tế. Tương quan giữa các thành phần kiến thức đại cương còn nhiều hơn so với kiến thức chuyên ngành. Bổ xung các môn tự chọn để tạo nên sự đa dạng cũng như tính đặc trưng riêng của từng trường. Hệ thống các môn học và đồ án cần cập nhật những thay đổi của xã hội & những tiến bộ khoa học của ngành Quy hoạch đô thị – nông thôn. Nghiên cứu sự tương đồng với chương trình đào tạo của các nước trên thế giới và khu vực, để có khả năng liên kết và hội nhập quốc tế.

Các nước Phương tây KTS được đào tạo thuộc khối Văn hóa xã hội, Việt Nam KTS được đào tạo theo khối ngành Kỹ thuật, đây cũng là một nguyên nhân thiếu hụt kiến thức kinh tế-xã hội. Chúng tôi đề xuất kiến nghị Bộ quản lý ngành nên điều chỉnh thay đổi các môn thi đầu vào ngành Kiến trúc & Quy hoạch; bổ xung môn Văn thay cho môn Vật lý. Cần thống nhất điều chỉnh hệ số cho điểm các môn thi giữa các trường có đào tạo KTS quy hoạch.

5.3/ Bổ xung kiến thức về Kinh tế, văn hóa & môi trường:

Kiến trúc sư nói chung & KTS quy hoạch được đào tạo tại Việt Nam nói riêng đang thiếu kiến thức về Kinh tế , văn hóa, xã hội & môi trường. Các KTS hiện nay đào tạo thiên về quy hoạch không gian “Vật thể”, cách làm quy hoạch là từ không gian thực trạng chuyển đổi thành không gian mới. Cách làm đó là cách tiếp cận duy lý và máy móc, coi trọng yếu tố vật chất nên đã hạn chế đi yếu tố con người, văn hóa, kinh tế, thể chế & môi trường đô thị nông thôn trong các đồ án quy hoạch, vì vậy tính khả thi của các đồ án quy hoạch không cao. Trong việc hành nghề cái cần thiết của KTS quy hoạch hiện nay là cách chuyển các nội dung “Phi vật thể” là (Văn hóa & Xã hội,…) thành không gian “Vật thể” (tức là không gian đô thị).

Với cơ sở nêu trên Chương trình mới sẽ được bổ xung thêm các môn học: Kinh tế đô thị, Bất động sản, Phát triển bền vững, Sinh thái & môi trường đô thị.

5.4/ Tăng khả năng thực hành quy hoạch;

Việc học lý thuyết kết hợp với thực hành cọ sát dần với các công việc thực tiễn là đặc biệt quan trọng đối với sinh viên ngành quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên hiện nay, do điều kiện tiện nghi phục vụ học tập và đào tạo còn nhiều khó khăn nên cũng đã hạn chế việc tiếp cận của sinh viên và giáo viên đối với các vấn đề thực tiễn quy hoạch xây dựng. Sinh viên ngành quy hoạch cần tiếp cận thực tiễn thông qua các bài tập nhóm thực hành (workshop), tổ chức các chuyến đi tới khu vực nghiên cứu (study visit) để đánh giá phân tích vấn đề, tiếp cận với chính quyền địa phương, người dân,…Điều này giúp sinh viên tiếp cận dần với các phương pháp và cách làm việc giải quyết các vấn đề thực tiến của công tác quy hoạch. Do đó, khi tốt nghiệp, sinh viên tiếp cận ngay được các vấn đề về kỹ năng cơ bản, và chủ động trong công việc.

Bên cạnh đó, việc tạo cơ hội thực hành, nghiên cứu thiết kế các công việc thực tiễn, tham gia các cuộc thi chuyên ngành, hội thảo trong nước và quốc tế, gắn liền với nội dung học quy hoạch của sinh viên cũng sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo kiến trúc sư quy hoạch.

5.5/ Khả năng phân tích & trình bày trong quy hoạch;

Trang bị cho Sinh viên quy hoạch phương pháp luận trong việc so sánh lựa chọn, áp dụng các phương pháp định tính, định lượng trong quá trình phân tích & đánh giá.

Khả năng dự báo phát triển, có tầm nhìn dài hạn, ngắn hạn, kết nối các xu hướng và chương trình phát triển của đô thị.

Trang bị cho Sinh viên quy hoạch có phương pháp, kỹ năng viết văn bản, đề tài khoa học và khả năng về thuật hùng biện (Rhetoric), để trình bày những ý tưởng giải pháp quy hoạch khi trình bày và báo cáo đồ án.

5.6/ Cải tiến phương thức đào tạo KTS quy hoạch;

Đặc trưng công việc của KTS là khả năng sáng tạo xây dựng nên các ý tưởng mới về không gian hình ảnh đô thị, phù hợp công năng sử dụng & các điều kiện khác. Tuy nhiên trong công việc của KTS không phải tất cả đều làm ý tưởng, mà chủ yếu lại làm công tác triển khai thiết kế kỹ thuật. Các cơ sở đào tạo KTS của chúng ta cho ra trường một loại KTS, nhưng khi ra trường số KTS chia làm hai nhóm; thiết kế ý tưởng chiếm khoảng 15-20%, thiết kế kỹ thuật là số đông còn lại.

Với yêu cầu hiện tại và tương lai gần của Việt Nam, việc đào tạo KTS quy hoạch nên phân làm hai giai đoạn; Giai đoạn một; đào tạo chung cho các KTS ra trường trang bị cho kỹ năng làm việc thiết kế kỹ thuật học 3-4 năm. Giai đoạn hai; 2-3 năm đào tạo cho các KTS có khả năng sáng tạo ý tưởng (khoảng 15-20% số sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 1) sau khi tốt nghiệp ra trường là Thạc sĩ đạt yêu cầu là Nhà quy hoạch (Planner) hay (Urbanist) chủ yếu thiết lập các ý tưởng quy hoạch. Phương thức đào tạo chia giai đoạn như vây sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền của cả gia đình và của xã hội. Đây là ý tưởng ban đầu, cần phải có khảo sát nghiên cứu cụ thể mới đánh giá được hiệu quả.

5.7/Cải thiện tiện nghi cho học tập và giảng dạy:

Hiện nay, diện tích học tập quá chật trội so với quy mô sinh viên đào tạo quy hoạch, các buổi học đồ án của sinh viên thường xuyên bị quá tải, thiếu chỗ học tập cho học sinh và làm việc cho các giáo viên, và chủ nhiêm các bộ môn. Do đó thời gian cho các cán bộ giảng viên tại trường rất hạn chế, dẫn đến hạn chế giao lưu, tiếp cận thông tin và hợp tác giữa các giảng viên, cũng như sinh viên với giảng viên của khoa.

Các phòng học đồ án thiếu tiện nghi báo cáo trình chiếu. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu cũng như áp dụng phương pháp đào tạo và học tập tiên tiến, việc sử dụng báo cáo trình chiếu powerpoint là hết sức quan trọng. Điều này sẽ hạn chế được thời gian và kinh phí cho công tác chuẩn bị đồ án. Đồng thời nâng cao được chất lượng nghiên cứu thiết kế.

Nhìn chung, việc học của sinh viên quy hoạch còn nặng về lý thuyết mà thiếu những điều kiện thực hành do những điều kiện khách quan và chủ quan. Chính vì vậy khi tốt nghiệp xong, sinh viên gặp rất nhiều khó khăn trong cách tiếp cận những công việc thực tiến.

Với nhu cầu đào tạo kiến trúc sư quy hoạch ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng, việc tạo những điều kiện tiện nghi trong học tập và giảng dạy đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo kiến trúc sư quy hoạch.

6/Kết luận:

Tổng hợp, đánh giá nội dung & phương pháp đào tạo KTS quy hoạch trên thế giới, tìm hiểu các yêu cầu đối với nguồn nhân lực KTS quy hoạch tại Việt Nam, phân tích một số khía cạnh khoa học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo KTS, là cơ sở nền tảng cho những đề xuất giải pháp nâng cao năng lực đào tạo KTS quy hoạch tại các Trường Đại học có đào tạo KTS quy hoạch của Việt Nam. Một số đề xuất trên đây chỉ là một phần trong những công việc cần quan tâm trong nội dung xây dựng đổi mới chương trình đào tạo KTS quy hoạch.

Để đáp ứng được nhiệm vụ yêu cầu của xã hội đối với đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch về lâu dài cần quan tâm đến các vấn đề như; Nhà nước cần nghiên cứu đổi mới công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch. Nhà trường cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy “người Thầy”, hoàn thiện hệ thống nội dung các môn học, phát triển các môn học chuyên sâu, chuyên ngành, cải thiện cơ sở vật chất cho đào tạo, hoàn thiện các tiêu chí tuyển sinh đầu vào chuyên ngành quy hoạch,…

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quy hoạch xây dựng đô thị & Nông thôn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Chính Phủ, Bộ Xây Dựng đã chỉ đạo các Trường Đại học thực hiện việc nâng cao năng lực đào tạo quy hoạch đô thị gắn kết các khâu từ đào tạo – nghiên cứu – triển khai trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội & các Trường Đại học khác có đào tạo chuyên ngành quy hoạch xây dựng đã nghiên cứu đề xuất cải tiến chương trình đào tạo KTS quy hoạch, nhằm phấn đấu trong những năm tới Việt Nam sẽ là một địa chỉ đào tạo nhân lực quy hoạch có uy tín và đạt trình độ ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực.

Tài liệu tham khảo:

– Đề tài cải tiến Chương trình đào tạo Đại học ngành quy hoạch đô thị và nông thôn – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2007.

– Kỷ yếu hội thảo khoa học; đô thị và quy hoạch vấn đề và giả pháp – Hà Nội năm 2004. Hội quy hoạch phát triển đô thị VN.

– Kỷ yếu hội thảo khoa học; Xây dựng chính sách cải tạo các khu đô thị cũ – Phúc yên năm 2011. Tổng hội xây dựng VN.

– Chương trình đào tạo Đại học ngành quy hoạch đô thị của trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.

– Một số bài viết của các thầy cô khoa Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Các tin tức khác