QUY HOẠCH CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG XÃ HỘI – CƠ SỞ HÌNH THÀNH CẤU TRÚC ĐÔ THỊ BỀN VỮNG

TS KTS Nguyễn Xuân Hinh

Tóm tắt:

Cấu trúc đô thị là “Bộ khung” hạ tầng kỹ thuật hình thành để bảo đảm cho chức năng hạ tầng xã hội (HTXH) đô thị hoạt động hiệu quả. Đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ, thực trạng của công tác quy hoạch hạ tầng xã hội đô thị, các cơ sở khoa học quy hoạch nhằm đề xuất được các giải pháp tốt trong quy hoạch hệ thống công trình HTXH phù hợp với các nhu cầu& các hoạt động đô thị là cốt lõi của một cấu trúc đô thị phát triển bền vững.

Abstract:

Urban structure is the “Infrastructure frame” to ensure the social infrastructure function working effectively. Assessing the role, objective, existing of social infrastructure planning, the scientific base to bring out good solutions in planning for the system of social infrastructure, matching with urban requirement and activities is the core of sustainable development urban structure.

———————-

Cấu trúc đô thị được hình thành bởi hai hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (HTKT) & hạ tầng xã hội (HTXH) đô thị. Hạ tầng kỹ thuật là hệ thống giao thông, chuẩn bị kỹ thuật, thoát nước, cấp nước, cấp điện,… nó là bộ khung “Không gian” tạo nên đô thị. Cấu trúc đô thị có thể hiểu như là một “Bộ khung xương” hình thành nên đô thị, nó tạo ra một sự hoạt động hiệu quả, liên kết thông suốt giữa các khu chức năng khác nhau của đô thị. Bộ khung đó được đánh giá là hiệu quả khi nó đáp ứng được hệ thống công trình hạ tầng xã hội; là công trình nhà ở, hành chính, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, công viên cây xanh,… Trong quá trình phát triển của đô thị, nhu cầu cuộc sống cần có dịch vụ xã hội đa dạng.  Để bảo đảm cho các hoạt động dịch vụ xã hội phù hợp với con người cũng như các điều kiện khác của đô thị, cần tổ chức hệ thống không gian công trình HTXH & hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hợp lý. Hệ thống công trình HTXH này như là một dây chuyền công nghệ có quan hệ mật thiết với nhau, công nghệ này được mô tả nhu là một cấu trúc chức năng đô thị. Như vây nhu cầu,chức năng HTXH xuất hiện trước, nó quyết định và tác động đến việc tổ chức không gian & mô hình phát triển đô thị. Mô hình phát triển đô thị tốt, phù hợp với các nhu cầu hoạt động xã hội là cốt lõi của một cấu trúc đô thị phát triển bền vững.

Hình 1: Cấu trúc thành phố Singapore – 1971;

Các khu chức năng đô thị được liên kết bởi  hệ thống giao thông.

(Nguồn: Tham khảo tư liệu)

I/Tổng quan về quy hoạch hạ tầng xã hội (HTXH) đô thị:

1.1/Hạ tầng xã hội đô thị là gì?

Theo các văn bản quản lý về quy hoạch và xây dựng đô thị của Việt Nam, các khái niệm liên quan trong bài viết được hiểu như sau:

Hạ tầng xã hội đô thị được hiểu là hệ thống các công trình phục vụ cho những nhu cầu và dịch vụ của nhân dân, của bộ máy hành chính và các cơ sở sản xuất. Hệ thống công trình này bao gồm; hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục – thể thao, dịch vụ thương mại, cây xanh công viên và các công trình khác (trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị), được tổchức cân đối và liên kết với nhau trong không gian đô thị.

Quy hoạch hạ tầng xã hội là việc tổ chức hệ thống không gian công trình hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một khu vực thị trấn, huyện, thị xã,  thành phố, của một tỉnh hoặc liên tỉnh nhằm tạo ra môi trường dịch vụ tốt nhất cho người dân &phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ của địa phương & quy định kinh tế kỹ thuật khác.

1.2/ Khái quát thực trạng quy hoạch hạ tầng xã hội đô thị:

Trong quá trình quy hoạch, xây dựng & phát triển đô thị, việctổ chức không gian sống cho con người yêu cầu phải đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Việc đáp ứng các nhu cầu hạ tầng kỹ thuật; đi lại giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện,… là những nhu cầu “ vật chất” quan trọng cần đi trước. Các nhu cầu về hạ tầng xã hội; học tập, chữa bệnh, văn hóa, thể thao,… là những nhu cầu cần thiết, tuy nhiên thường phải xây dựng  sau, điều này cũng phù hợp với logic “Đường, điện – Trường, trạm”. Nói như vậy để lý giải cho việc lập tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thường  đi sau các các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.Về tổng thể thì việc phát triển đô thị phải đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội mới đạt yêu cầu.

Việt Nam do điều kiện kinh tế phát triển còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội thường xây dựng sau khi đô thị hình thành, hoặc có nhiều lý do mà chính quyền cũng các chủ đầu tư chưa quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Thực tế việc này đã bị lạm dụng, đã có quan niệm các công trình HTXHđầu tư  sau, hệ lụy của nó là hầu hết các khu đô thị chỉ chú trọng đến công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở, còn các công trình dịch vụ hạ tầng xã hộithì không được quan tâm xây dựng, không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người dân khi đến sinh sống. Hiên nay với tư duy phát triển bền vững, việc xây dựng đồng bộgiữa Hạ tầng kỹ thuật & Hạ tầng xã hội đô thị là yêu cầu tất yếu của các Quốc gia văn minh, tại Việt Nam một số khu đô thịđã chứng minh tính khả thi của việc phát triển đô thị đồng bộ đã mang lại hiệu quả kinh tế & xã hội cao.

Các văn bản pháp luật của Việt Nam về quy hoạch và phát triển đô thị đều có các yêu cầu về quy hoạch & phát triển công trình HTXH đô thị, tuy nhiên các văn bản này mới dừng ở yêu cầu & định hướng, chưa cụ thể thành các quy định trong quy hoạch, thiết kế công trinh HTXH. Nếu mang các quy định về Hạ tầng kỹ thuật so với các quy định về HTXH thì mới thấy sự chênh lệch nhau về  nội dung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định nội dung thuyết minh và bản vẽ quy hoạch trong đồ án quy hoạch đô thị. Thiếu các quy định cụ thể, khả thi là nguyên nhân cơ bản và bất cập trong việc quy hoạch không gian HTXH đô thị, dẫn đến tính khả thi của đồ án quy hoạch đô thị tại Việt Nam rất thấp. Đồ án không cụ thể, kém khả thi, quá trình thực hiện luôn luôn phải điều chỉnh các công trình HTXH quan trọng “cốt lõi” của đô thị, dẫn đến thay đổi cấu trúc đô thị, gây ra sự “chệch hướng” quá trình quy hoạch, xây dưng & phát triển đô thị.

Trong văn bản luật có quy định nội dung quy hoạch công trình  HTXH các đồ án quy hoạch chung đô thị: “Xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; mô hình phát triển, định hướng phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị, trung tâm chính trị – hành chính, dịch vụ, thương mại, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, công viên cây xanh, thể dục, thể thao cấp đô thị; quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung trên mặt đất, trên cao và ngầm dưới đất; đánh giá môi trường chiến lược; kế hoạch ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện”. Cho đồ án quy hoạch chi tiết; “xác định chỉ tiêu về dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho toàn khu vực quy hoạch; bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng; chỉ tiêu sử dụng đất và yêu cầu về kiến trúc công trình đối với từng lô đất”.  Trong nội dung (thuyết minh và bản vẽ)vềquy hoạch xây dựng (theo Nghị định 44/2015/NĐ-CP) phần nội dung của công trình hạ tầng xã hộiđược kết hợp vào phần quy hoạch không gian, phần Hạ tầng kỹ thuật được tách riêng và chi tiết nội dung của từng loại công trình. Nội dung thuyêt minh và bản vẽ của các công trình hạ tầng xã hội cũng không có quy định cụ thể cho từng loại công trình. Thực tế các nội dung quy hoạch HTXH cónghiên cứu, tuy nhiên chỉ dừng ở mức độ quy hoạch hệ thống và vị trí (lý thuyết hệ thống, vị trí tương đối), chưa làm rõ chức năng, quy mô, ranh giới& bán kính phục vụ.

Việc quy hoạch các công trình HTXH hiện nay còn bị tác động bởi kinh tế thị trường quốc nội và quốc tế; ví dụ như hệ thống các bệnh viện & trường học quốc tế và tư nhân tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự tác động của kinh tế xã hội đến việc dự báo và phân bố các công trình HTXH cũng chưa được cập nhật, cũng như còn thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện trong các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đô thị. Việc dự báo theo phương pháp truyền thống theo khu vực hành chính, địa phương không kết hợp với nền kinh tế thị trường và quốc tế đã làm tăng tính bất hợp lý cho quy mô cũng như càng bị động trong việc tổ chức xắp xếp mạng lưới các công trình HTXH.

Kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy trong quá trình phát triển đô thị, chúng ta  không nên thay đổi cấu trúc tổng thể (trung tâm hành chính – chính trị& trung tâm văn hóa cốt lõi), mà chỉ nên hướng đến mở rộng một số khu trung tâm dịch vụ, khu nhà ở vệ tinh của đô thị. Thành phố London, New York, Paris và Washington đều là những cấu trúc đô thị phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, vì nó đã lưu giữ được trung tâm cốt lõi (hành chính đô thị & dịch vụ đặc trưng), việc phát triển thành phố là sự mở rộng ra các đô thị xung quanh (vệ tinh) chứ ít khi thay đổi cấu trúc nguyên bản của đô thị gốc. Tại Việt Nam đã có nhiều đô thị đang chuyển đổi các trung tâm đô thị được xây dựng từ nhiều đời thành các khách sạn & trung tâm thương mại vì nhiều lý do, thay đổi điều này đồng nghĩa với việc lập lại cấu trúc mới cho đô thị phát triển phù hợp, đây thật sự là điều đáng quan ngại không những cho bảo tồn mà còn dễ bị tổn thương đến sự phát triển bền vững của đô thị trong tương lai.

1.3/Đánh giá chung:

Trong các quy định quản lý nhà nước; các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch khu chức năng đặc thù & quy hoạch chi tiết đều có yêu cầu và nội dung, tuy nhiên các nội dung quy định cụ thể cho công trình hạ tầng xã hội không cụ thể như hạ tầng kỹ thuật đô thị.Các công trình hạ tầng xã hội đô thị có chức năng quan trọng là “tạo thị” như vậy khi lập quy hoạch đô thị không bố trí được cụ thể vị trí, diện tích, ranh giới và phương án tổ chức không gian công trình trên bản đồ quy hoạch là khó khả thi.

Việc dự báo quy mô tại các đồ án quy hoạch đô thị thường tính gộp (tỷ lệ % đất đai) cho các công trình HTXH, điều này sẽ gây khó khăn cho việc phân bố khi quy hoạch. Thực tế các công trình được bố trí theo nhóm hoặc là riêng biệt, vì vậy quy mô này sẽ bị tác động bởi các điều kiện về quy mô dân số, địa hình tự nhiên, kinh tế và các tác động khác.

Điểm lại các văn bản pháp quy về lập & quản lý quy hoạch phát triển đô thị, nội dung lập quy hoạch công trình HTXH đô thị trong các đồ án, cũng như các bất cập trong thực tiễn xây dựng phát triển các  công trình HTXH đô thị, cho thấy sự cần thiết phải có cách tiếp cận mới, cách làm mới trong việc xây dựng quy chuân, tiêu chuẩn, công tác quản lý và lập quy hoạch đô thị của Việt Nam.

II/Bối cảnh, mục tiêu & yêu cầu hạ quy hoạch tầng xã hội đô thị:

2.1/ Bối cảnh tác động:

Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi về cơ cấu kinh tế đô thị, cơ chế quản lý đô thị, các tác động của biến đổi khí hậu, của sự hội nhập kinh tế thế giới, … cấu trúc chức năng đô thị, nông thôn sẽ bị tác động và thay đổi là tất yếu.Trong bối cảnh các nhân tố của cấu trúc và các mối liên kết cơ bản trong đô thị đang bị xáo trộn, vấn đề đặt ra là cuộc sống của người dân vẫn phải luôn được bảo đảm bảo. Đó cũng là một trong những nguyên tắc của phát triển bền vững. Bộ khung xương của đô thị phải có những sự thích ứng, mềm dẻo nhất định. Một cấu trúc đô thị tuy có sự thay đổi nhưng sẽ vẫn đáp ứng được sự phát triển, không gây ra nhiều xáo trộn về môi trường sống lẫn môi trường cảnh quan đô thị.

Quy hoạch đô thị, nông thôn đang diễn ra & thay đổi mạnh mẽ từ: nhận thức, quan điểm, nội dung và phương pháp, liên kết chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu – lập quy hoạch – quản lý đầu tư – khai thác đô thị,… Các hoạt động này được thực hiện trong một “chuỗi” thống nhất, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng của đồ án qui hoạch, tạo nên một cấu trúc không gian đô thị & nông thôn hòa nhập với nhau, hình thành môi trường đáng sống.

2.2/Mục tiêu quy hoạch hạ tầng xã hội:

Quy hoạch hạ tầng xã hội đô thị có nhiệm vụ tạo điều kiện tổ chức tốt cuộc sống và mọi hoạt động hàng ngày của người dân đô thị, tạo cơ cấu hợp lí trong việc phân bố dân cư và sử dụng đất đai đô thị, tổ chức việc xây dựng các khu ở, khu trung tâm và dịch vụ công cộng, khu nghỉ ngơi, giải trí, cũng như việc đi lại giao tiếp của người dân đô thị. Ngoài ra nó còn tạo môi trường sống, môi trường cảnh quan trong sạch đẹp, an toàn, tạo mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên thân thiện, tạo điều kiện hiện đại hóa cuộc sống của người dân đô thị, phục vụ con người phát triển một cách toàn diện. Những mục tiêu cơ bản được đặt ra:

-Đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà ở, công trình y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh, mặt nước và công trình hạ tầng xã hội khác.

-Nâng cao và đáp ứng toàn diện những nhu cầu của các hoạt động kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả năng suất lao động.

-Tạo lập và phát triển hài hoà, cân đối và đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của các cơ cấu thành phần khác trong vùng.

-Giảm bớt sự chênh lệch trong cung cấp và trang bị cơ sở hạ tầng giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng lãnh thổ.

-Đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế & ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.

-Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm.

2.3/Yêu cầu quy hoạch hạ tầng xã hội:

2.3.1/ Các yêu cầu quy hoạch công trình hạ tầng xã hội:

Xác định được mô hình liên kết, mối quan hệ giữa hạ tầng xã hội với các chức năng khác trong đô thị và các vùng dân cư nông thôn.

Xác định được các vùng chức năng chính để định hướng phát triển HTXH.

Đề xuất được các yêu cầu, chỉ tiêu, quy mô công trình hạ tầng xã hội phù hợp với các giai đoạn phát triển đô thị.

Đề xuất được các giải pháp quy hoạch sử dụng đất cho công trình hạ tầng xã hội với khả năng sử dụng đất hỗn hợp ở mức độ tối đa, đảm bảo tính linh hoạt để bố trí công trình HTXH phù hợp với chiến lược phát triển đô thị.

Trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp quy hoạch cho  khu vực, đảm bảo phù hợp với chiến lược và cấu trúc phát triển chung của đô thị. Đảm bảo khớp nối về mặt tổ chức không gian; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các đơn vị ở với các khu vực lân cận. Đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và bền vững, đồng thời phải đáp ứng linh hoạt nhu cầu đầu tư phát triển của xã hội.

Xác định được các chỉ tiêu và cấu trúc phân bố các công trình hạ tầng xã hội chủ yếu của khu vực thiết kế hoặc từng khu vực đặc trưng trong khu vực thiết kế phù hợp với nhu cầu quản lý phát triển;

Các yêu cầu đối với quy hoạch hệ thống cây xanh trong đô thị: Các không gian xanh trong đô thị bao gồm: cây xanh tự nhiên (đồi núi, sông suối, ao hồ) với cây xanh nhân tạo (theo quy hoạch; CX công viên – vườn hoa, CX cách ly, CX hạn chế,…) phải được gắn kết với nhau bằng các tuyến xanh đường phố và các dải cây tự nhiên hay nhân tạo để hình thành một hệ thống xanh có liên kết.

1/ cây xanh. 2/mặt nước. 3/ đường phố

Hình 2: Hệ thống cây xanh thành phố liên kết với các cây xanh và mặt nước tự nhiên – Thành phố Minsk.

(Nguồn; Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị – Nguyễn Thế Bá)

III/Phương pháp dự báo trong quy hoạch hạ tầng xã hội:

3.1/ Nguyên tắc chung:

Dự báo được nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng xã hội, xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng xã hội, xác định các công trình đầu mối, mạng lưới, vị trí và quy mô mang tính chất vùng hoặc liên vùng.

Căn cứ vào dự báo dân số đô thị và nông thôn trong vùng (theo các đồ án Quy hoạch chung,  quy hoạch phân khu hay quy hoạch chi tiết) ta có thể tính ra quy mô cho tổng thể và từng thể loại công trình HTXH dựa trên chỉ tiêu được quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn và kinh nghiệm trong và ngoài nước;

Dân Số Dự báo QHĐT (người)  

X

Chỉ tiêu

(M2/ người)

 

=

Quy mô công

trình (M2)

Sự tăng trưởng dân số đô thị là sự tăng trưởng tổng hợp của nhiều thành phần khác bao gồm tăng tự nhiên, tăng cơ học, tăng hỗn hợp và tăng của nhiều thành phần khác nữa do đó quy mô tăng trưởng kinh tế đô thị là tổng của sự tăng trưởng các thành phần. Vì vậy chúng ta nên dùng Phương pháp dự báo tổng hợp để tính toán cho các công trình HTXH.

3.2/Phương pháp xác định quy mô công trình HTXH;

-Phương pháp 1;  Theo quy chuẩn quy hoạch đô thị về tỷ lệ các loại đất trong đô thị để xác định diện tích tổng các công trình HTXH, đề xuất ý tưởng tổ chức không gian. Lưu ý với cách xác định quy mô này là không chính xác vì quy chuẩn chỉ cung cấp mức đô tổng thể theo quy mô cấp đô thị, nên chỉ nên để tham khảo cho giai đoạn nghiên cứu.

– Phương pháp 2;  Theo tiêu chuẩn chỉ tiêu cụ thể của từng loại đất cho công trình HTXH; y tế (bệnh viện các loại, trung tâm y tế,… ), Giáo dục ( nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông các cấp, Thể dục – thể thao,… Tính được chi tiết quy mô từng hạng mục HTXH trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu kết hợp hay phân ngành nhóm cho phù hợp với điều kiện của đô thị.

Phương pháp 3: (phi tầng bậc) Được xác định trên cơ sở nhu cầu của HTXH & các mối quan hệ kinh tế xã hội ở cấp quốc gia và quốc tế. Trong trường hợp này cần xem xét đến xu hướng đầu tư kinh tế xã hội, chủ động dự phòng hay lồng ghép quỹ đất đô thị trong quy hoạch cho việc các nhà đầu tư một số thể loại công trình HTXH “xã hội hóa” đầu tư không phụ thuộc vào vốn đầu tư của  chính quyền đô thị.

IV/ Phân cấp & phân nhómcông trình HTXH trong đô thị.

4.1/ Phân cấp công trình HTXH:

1/Công trình HTXH cấp Quốc tế & Quốc gia; 

-Cáccông trìnhcấp Quốc gia (nhà nước) là cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ& Bộ ban ngành thuộc các cơ quan Trung ương.

-Các cơ quan là các Tổ chức Quốc tế đóng trên địa bàn đô thị (Liên hợp quốc, hiệp hội ÁSIAN,…).

-Các cơ quan là các Tổ chức công ích Nhà nước và chính phủ đóng trên địa bàn đô thị (bưu điện, tài chính, ngân hàng,…).

-Các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề,…

-Các trung tâm y tế, thể thao, đào tạo cấp quốc gia,…

Các công trình HTXH này thường chỉ tập trung ở một số thành phố lớn; Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà nẵng,… Quy mô công trình được xác định theo nhu cầu của các cơ quan đặt văn phòng trên địa bàn đô thị.

2/ Các công trình là cơ quan cấp Tỉnh – thành phố (thị xã), cấp huyện;

Thường là cơ quan cấp tỉnh; Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh & các sở ban ngành thuộc các cơ quan cấp tỉnh.

-Các cơ quan là các Tổ chức công ích Nhà nước và Tỉnh đóng trên địa bàn đô thị (bưu điện, tài chính, ngân hàng,…).

-Các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề,…

-Các trung tâm y tế, thể thao, đào tạo cấp tỉnh,…

Các công trình HTXH này thường chỉ tập trung ở thành phố, thị xã thuộc tỉnh (trung tâm tỉnh lỵ). Quy mô công trình được xác định theo nhu cầu của các cơ quan đặt văn phòng trên địa bàn đô thị.

3/ Các công trình là cơ quan cấp thành phố, thị xã, thị trấn;

Là các công trình HTXH  cấp quản lý của Đảng & nhà nước thuộc đô thị; thành phố, thị xã, thị trấn.  Dự báo số lượng và quy mô trong quy hoạch đô thị theo danh mục nhóm các công trình theo tiêu chuẩn tính toán.

Lưu ý: trong phân cấp như trên theo cấp quản lý hành chính, không theo quy mô công trình.

4.2/ Phân nhóm công trình HTXH.

Dựa vào quy mô và tính chất của mỗi đô thị, các công trình HTXH đô thị có thể phân ra các nhóm để bố trí hợp lý trong đô thị hay trong vùng, các nhóm có thể ít hay nhiều hơn dự kiến sau:

  1. Các công trình hành chính, chính trị: Như các cơ quan quản lý nhà nước (hành chính) của đô thị, của tỉnh – huyện (địa phương) và cấp cao hơn (Trung ương); các cơ quan an ninh và pháp chế; các cơ quan chính trị, đảng phái và tổ chức quần chúng xã hội.
  2. Các công trình giáo dục, đào tạo: như các nhà trẻ, mẫu giáo, các trường học phổ thông; các trường đặc biệt (câm, điếc, v.v..); các trung tâm; trường dạy nghề; các trường trung học, cao đẳng và đại học; các thư viện; các trường của đảng, nhà nước và tổ chức kinh tế.
  3. Các công trình văn hoá: các nhà văn hoá, các câu lạc bộ; các thư viện nhân dân; các rạp chiếu phim; các nhà hát; các phòng hoà nhạc; các phòng biểu diễn đa năng, các cung đại hội các phòng triển lãm, bảo tàng, tượng đài, di tích lịch sử và văn hoá.
  4. Các công trình thương mại- dịch vụ: Các cửa hàng, siêu thị, các cửa hàng lương thực thực phẩm, các cửa hàng ăn uống, các nhà hàng khác.
  5. Các công trình y tế, bảo vệ sức khoẻ: như các bệnh viện, viện chuyên khoa, các trung tâm y tế, bệnh xá, các nhà an dưỡng , diều dưỡng, các cửa hàng thuốc; các trung tâm phục hồi chức năng.            
  6. Các công trình thể thao:như các sân bãi thể dục thể thao; các nhà thi đấu; tập luyên thể dục thể thao, các bể bơi, nhà thuyền, trung tâm thể thao tỏng hợp; các công trình thể thao theo mùa, các công trình thể thao đặc biệt (trường bắn, đua ngựa, hàng không… )
  7. Các công trình nghỉ ngơi, du lịch: như các trung tâm du lịch, các khách sạn, nhà trọ, các nhà nghỉ, các trung tâm, trại hè thanh thiếu nhi, các bãi tắm căm trại.
  8. Các công trình dịch vụ như các cửa hàng uốn, cắt tóc, nhà tắm hơi các cửa hàng sửa chữa đồ dùng gia đình, các cửa hàn may đo giặt là, các trung tâm dịch vụ tổng hợp, lễ trang, dịch vụ kinh tế, các cửa hàng thu mua phế liệu, các cửa hàng dịch vụ đặc biệt ( tư vấn, sửa chữa xe, bán xăng v.v…)
  9. Các công trình thông tin liên lạc: như bưu điện, điện thoại, các trạm nhận và trả hàng (logictic), bưu kiện, các quầy báo, tem thư, các trạm truyền thông, viễn thông, các trạm phát thanh, vô tuyến truyền hình.
  10. Các công trình tài chính, tín dụng: như các nhà băng, ngân hàng, kho bạc, trạm bảo hiểm, trung tâm xổ số.
  11. Ngoài ra, trong trung tâm đô th còn có một số công trình HTXH khác:

– Nhà ở, nhà tổng hợp (Complex Building).

– Cơ sở dịch vụ khoa học và sản xuất không độc hại.

– Các công trình giao thông và kĩ thuật đô thị khác.

4.3/ Bán kính phục vụ (khoảng cách tiếp cận) công trình HTXH.

4.3.1/ Nhu cầu mở rộng &đặc biệt mở rộng:

Khả năng tiếp cận phải đến với mọi người theo địa giới hành chính. Bán kính phục vụ tùy thuộc vào vị trí của Trung tâm đến các khu nhà ở trong đô thị. Không theo chu kỳ, không thường xuyên – bao gồm các nhóm công trình:

1/Các công trình hành chính, chính trị:Là các cơ quan quản lý nhà nước

2/Các trường dạy nghề; các trường trung cấp, cao đẳng và đại học, thư viện, các trường của đảng, nhà nước và tổ chức kinh tế.

3/ Các siêu thị, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ  cấp vùng.

4/Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp vùng, quốc gia.

5/Các sân bãi thể dục thể thao; các nhà thi đấu; tập luyên thể dục thể thao, các bể bơi, nhà thuyền, trung tâm thể thao tỏng hợp; các công trình thể thao theo mùa, các công trình thể thao đặc biệt (trường bắn, đua ngựa, hàng không…

6/Các trung tâm du lịch, các khách sạn, các trung tâm, trại hè thanh thiếu nhi.

7/ Các trạm truyền thông, viễn thông, các trạm phát thanh, vô tuyến truyền hình.

8/ Các nhà băng, ngân hàng, kho bạc, trạm bảo hiểm.

4.3.1/ Nhu cầu phục vụ hàng ngày, mở rộng (hàng tuần), phạm vi hẹp (hàng tháng):

Bán kính phục vụ tính theo nhu cầu, tần xuất phục vụ, phân theo 4 cấp.

TT Đơn vị Trung tâm phục vụ Bán kính Công trình phục vụ hạt nhân
1 Nhóm nhà ở Cấp I 200-300m Nhà trẻ, dịch vụ …
2 Đơn vị ở cơ sở (Tiểu khu nhà ở) Cấp II 500m Trường PT cơ sở (cấp 1&2), cửa hàng dịch vụ.
3 Khu nhà ở Cấp III 1000-1500m Trường PTTH (cấp 3), TTVH, các TT dịch vụ
4 Thành phố Cấp IV Các công trình HTXH cấp thành phố (đô thị)

 

V/ Cấu trúc không gian hệ thống công trình hạ tầng xã hội:

5.1/Cấu trúc phân tán:

Với các đô thị lớn đặc biệt, loại 1; Quy mô phục vụ lớn, bán kính phục vụ rộng, vì vậy cần phân ra các trung tâm có vị trí khác nhau; Trung tâm hành chính- chính trị, Trung tâm giáo dục đào tạo, Trung tâm thể dục thể thao, Khu trung tâm y tế bao gồm các loại bệnh viện, các trung tâm Thương mại dịch vụ và các trung tâm chuyên ngành khác.

Đô thị đặc biệt lớn có thể hình thành các đô thị vệ tinh như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh. Chức năng HTXH được phân chia & phân bố theo chức năng của đô thị trung tâm & đô thị vệ tinh.

Hình 3: Bố trí các công trình HTXH theo giải pháp phân tán.

(Nguồn; Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị – Nguyễn Thế Bá)

5.2/ Cấu trúc hỗn hợp (bán tập trung).

Với các đô thị loại 2, loại 3 có thể kết hợp thành các tổ hợp nhiều nhóm trung tâm HTXH: 1/ Hành chính + Văn hóa.2/Giáo dục + Y tế. 3/Cây xanh + thể thao. 4/Thương mại dịch vụ, du lịch, … Các nhóm này được bố trí thành nhiều khu vực khác nhau, đảm bảo bán kính phục vụ, điều kiện tự nhiên của đô thị đồng bằng, trung du & miền núi.

Hình 4: Bố trí các công trình HTXH theo giải pháp hỗn hợp.

(Nguồn; Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị – Nguyễn Thế Bá)

5.3/ Cấu trúc tập trung:

Các đô thị nhỏ loại 4, loại 5 với quy mô công trình phục vụ không lớn, bán kính phục vụ nhỏ, giải pháp tổ hợp trung tâm HTXH. Tất ỉa các công trình HTXH được bố trí trên một hay hai khu đất.

Hình 5: Bố trí các công trình HTXH theo giải pháp tập trung.

(Nguồn; Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị – Nguyễn Thế Bá)

VI/Phương pháp lập quy hoạch công trình hạ tầng xã hội đô thị:

1/ Phương pháp tiếp cận “quy hoạch chiến lược” cho quy hoạch đô thị nói chung, quy hoạch HTXH nói riêng là giải pháp tốt nhất đang được áp dung tại các nước văn minh. Phương pháp tiếp cận này được Louis Albrechts định nghĩa là “một quá trình biến đổi và tích hợp do khu vực công chỉ đạo nhưng là về sản xuất-xã hội-không gian, qua đó đưa ra tầm nhìn/khuôn khổ để tham khảo, nêu lên luận chứng cho các hành động và biện pháp thực thi thống nhất nhằm chỉ ra hình dạng và quy mô mà một địa điểm đang có hoặc có thể có”.

Đảm bảo tính khả thi các quy hoạch nói chung hay quy hoạch HTXH, về lâu dài nên tách quy hoạch chiến lược HTXH riêng và quy hoạch không gian HTXH riêng là phù hợp với xu thế hiện đại. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay (quá độ) có thể xem xét dùng phương pháp tích hợp nội dung của quy hoạch chiến lược và quy hoạch không gian.

2/Nội dung quy hoạch chia ra làm 3 bước; Quy hoạch chiến lược – Quy hoạch không gian – Quản lý thực hiện. Tuỳ thuộc vào loại HTXH quy hoạch để đề xuất các yêu cầu về nội dung phù hợp, làm rõ các công việc dự kiến triển khai để thực hiện được các phần nhiệm vụ sẽ nghiên cứu trong đồ án quy hoạch như sau:

Bước 1: Xây dựng chiến lược phát triển HTXH:

-Thực trạng phát triển của HTXH của khu vực nghiên cứu.

-Xác định các mục tiêu (tầm nhìn) phát triển của HTXH.

– Xác định quy mô, tiến độ &kinh phí đầu tư HTXH (theo giai đoạn).

-Các điều kiện kinh tế & xã hội đáp ứng.

Bước 2: Định hướng phát triển không gian:

-Các cơ sở quy hoạch công trình HTXH.

-Các phương án (kịch bản) quy hoạch HTXH.

-Cấu trúc phân vùng, tuyến phát triển công trình HTXH.

-Vị trí, quy mô, ranh giới &tổ chức không gian công trình HTXH.

– Định hướng phát triển hệ thống bảo đảm kỹ thuật.

-Các chương trình dự án đầu tư ưu tiên (theo giai đoạn).

Bước 3: Quản lý thực hiện& quản lý giám sát:

Phân công các cơ quan quản lý & giám sát thực hiện quy hoạch HTXH.

Hình 6 : Phương án tổ chức hệ thống trung tâm  HTXH TP Đô thị Hải Dương.

(Nguồn; Dự án Cup.cup – VIUP)

VII/Kết luận& Kiến nghị:

Cuộc sống đô thị hiện đại càng cần thiết phải có sự đánh giá đúng vai trò của công trình hạ tầng xã hội đô thị trong mối quan hệ về chức năng, không gian với các hạ tầng cơ sở khác, nhằm tạo dựng được một không gian đô thị tiện nghi, hiện đại & giàu bản sắc. Hạ tầng xã hội là một căn cứ quan trọng  hình thành cấu trúc chức năng, như “linh hồn” tạo dựng nên đô thị phát triển bền vững.

Đánh giá thực trạng công trình hạ tầng xã hội đô thị từ vấn đề quan niệm, đến các quy định của thể chế, công tác lập quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch, công tác đầu tư xây dựng công trình HTXH, cũng như các bất cập trong thực tiễn xây dựng, khai thác & phát triển công trình HTXH đô thị, cho thấy sự cần thiết phải có cách tiếp cận mới, cách làm mới trong việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, công tác quản lý, lập quy hoạch công trình HTXH đô thị của Việt Nam.

Quy hoạch đô thị nói chung và HTXH nói riêng đang diễn ra trong một bối cảnh mới,  cần phải liên kết chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu – lập quy hoạch – quản lý đầu tư – khai thác đô thị,… Các hoạt động này được thực hiện trong một “chuỗi” thống nhất, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng của đồ án qui hoạch cao hơn.

Quy hoạch công trình hạ tầng xã hội cần xác đinh được mô hình liên kết giữa hạ tầng xã hội với các chức năng khác trong đô thị. Xác định được các vùng chức năng chính , đề xuất được các yêu cầu, chỉ tiêu, quy mô công trình hạ tầng xã hội phù hợp với các giai đoạn phát triển đô thị.

Dự báo quy mô công trình hạ tầng xã hội trên cơ sở chiến lược phát triển hạ tầng xã hội, xác định các công trình đầu mối, mạng lưới, vị trí và quy mô mang tính chất vùng hoặc liên vùng. Ngoài các phương pháp dự báo thông thường, trong dự báo quy mô công trình HTXH cần có thêm phương pháp dự báo “phi tầng bậc” xác định trên cơ sở nhu cầu & các mối quan hệ kinh tế xã hội ở cấp quốc gia và quốc tế.

Việc phân cấp, phân nhóm công trình HTXH, xác định bán kính phục vụ là cơ sở cho việc quy hoạch hệ thống HTXH đô thị với các giải pháp cấu trúc:

-Giải pháp phân tán cho cácđô thị lớn đặc biệt, loại 1.

-Giải pháp hỗn hợp (bán tập trung) cho  các đô thị loại 2, loại 3, có thể kết hợp thành các tổ hợp nhiều nhóm trung tâm HTXH.

-Giải pháp tập trung với các đô thị nhỏ loại 4, loại 5 với quy mô công trình phục vụ không lớn, bán kính phục vụ nhỏ.

Để có những quy hoạch mang tính khả thi cao, khắc phục các tồn tại như hiện nay, kiến nghị:

-Thay đổi trong nhận thức của từ các nhà quản lý, các cán bộ làm quy hoạch đô thị về vai trò của công trình HTXH trong cấu trúc đô thị bền vững, coi các công trình HTXH là quyết định đến cấu trúc đô thị, chất lượng đô thị. Hạ tầng kỹ thuật là công trình bảo đảm cho cấu trúc HTXH hoạt động thông suốt.

-Nhà nước ban hành mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn & các hướng dẫn lập quy hoạch HTXH trong các đồ án quy hoạch đô thị, cũng như các đồ án quy hoạch chuyên ngành HTXH cấp vùng, cấp tỉnh và các đô thị.

-Cần đổi mới nội dung quy hoạch HTXH cụ thể hơn cho việc thực hiện thuận lợi không bị thay đổi điều chỉnh làm ảnh hưởng đến cấu trúc đô thị. Đổi mới phương pháp quy hoạch HTXH theo hướng tiếp cận chiến lược nhằm nâng cao tính khả thi của đồ án quy hoạch HTXH./

—————————

Tài liệu tham khảo:

1/Cơ quan phát triển quốc tế của Nhật Bản Jaika & VIAP, Dự án Xây dựng Năng lực Lập Quy hoạch và Quản lý đô thị (CUP CUP). Hà Nội, 2010.

2/Phạm Sỹ Liêm, Tổng quan xu hướng quy hoạch trên thế giới và viễn cảnh hệ thống quy hoạch Việt Nam. Hà Nội, 2014.

3/Nguyễn Thế Bá, Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. Nhà xuất bản xây dựng , Hà Nội năm 2004.

4/ Phạm Kim Giao, Quy hoạch vùng, nhà xuất bản xây dựng, Hà Nội -2000.

5/Luật xây dựng 2014 số 50/2014/QH13.

6/Luật quy hoạch đô thị -số 30/2009/QH12.

7/Nghị định của Chính phủ về quy hoạch xây dựng.

8/Quy chuẩn quy hoạch xây dựng Việt Nam.

9/Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật, nghị định lập quy hoạch đô thị.

——————————–

Các tin tức khác